Shuyin Tang còn nhớ rõ ngày đầu tiên đến Việt Nam. Đó là mùng 2 Tết 2013,ườiphụnữAustraliađếnViệtNamlậpquỹđầutưvốtỷ lệ kèo cược khi đường phố Hà Nội vắng hơn cả dịp Giáng sinh ở Australia. "Tôi đến để làm việc trong lĩnh vực đầu tư tác động xã hội. Đó là ngành mới thời điểm đấy, đặc biệt tại châu Á. Khi có cơ hội ở Việt Nam, tôi đã chộp lấy ngay lập tức", Shuyin kể.
Hợp đồng làm việc kéo dài một năm nhưng đủ để Shuyin Tang yêu đất nước này và tìm cách ở lại. Bà được gia hạn hợp đồng và 10 năm trôi qua khiến Việt Nam thành quê nhà thứ hai. Nơi đây, bà không chỉ lập nghiệp với một quỹ đầu tư, mà còn có tên mới là Duyên, thích mặc áo dài và ăn bún riêu cua nhiều hành phi.
Cơ hội từ phân khúc bị bỏ quên
Làm việc trong lĩnh vực đầu tư ở Việt Nam, Shuyin Tang tò mò về việc dẫn vốn đến nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Họ là doanh nghiệp chiếm đa số tại Việt Nam, nhưng gần đây không được quan tâm nhiều như các startup.
SME ở vị thế được bà gọi là "phân khúc bị bỏ quên". "Họ quá nhỏ với các quỹ đầu tư tư nhân (PE), quá lớn với tài chính vi mô, lại không phù hợp với mô hình tăng trưởng của các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) và không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng một cách hiệu quả", bà mô tả.
Theo Shuyin, nhiều SME xứng đáng được tiếp cận vốn nhưng đang bị đánh giá thấp nghiêm trọng. Họ không chỉ thiếu sự chú ý và các nguồn vốn tài chính phù hợp mà còn không có hệ sinh thái hỗ trợ mạnh mẽ như startup. Vì thế, bà muốn có một mô hình khác các quỹ VC và PE truyền thống.
Đó là cơ duyên Shuyin đồng sáng lập Beacon Fund. Không giống VC, vì là quỹ đầu tư vốn vay nên Beacon không đổi vốn lấy cổ phần và can thiệp đến hoạt động kinh doanh của công ty. Cách họ cho vay cũng linh hoạt hơn ngân hàng. Nếu như nhà băng cho vay dựa trên tài sản thế chấp, thường là bất động sản hoặc sổ tiết kiệm (thường không quá 70% tài sản thế chấp) thì quỹ này cho vay đến tối đa 2 triệu USD trung hạn tùy thuộc vào nhu cầu vốn và tiềm năng hoàn trả.
Họ chấp nhận các loại tài sản thế chấp như hàng tồn kho, các khoản phải thu, cổ phần của cổ đông, sở hữu trí tuệ bên cạnh niềm tin vào tương lai. "Câu chuyện đằng sau các con số rất quan trọng, chúng tôi tập trung vào nội lực kinh doanh và những gì doanh nghiệp có thể đạt được thay vì những gì họ sở hữu", bà lý giải.
Về đối tượng, quỹ này nhắm đến các SME do phụ nữ làm chủ hoặc lãnh đạo. Theo Shuyin Tang, trong SME, thách thức còn lớn hơn đối với các doanh nghiệp dẫn dắt bởi phụ nữ, do những thành kiến về giới tính và các áp lực chăm sóc gia đình.
Tuy nhiên, họ không bắt buộc đầu tư doanh nghiệp chỉ có phụ nữ hoặc phải có CEO là nữ giới. "Trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp chúng tôi đầu tư vào đều đa dạng và trong đó, phụ nữ đóng vai trò ý nghĩa - nhưng chắc chắn không chỉ riêng họ - trong việc lãnh đạo và làm chủ", bà nói rõ thêm.
Đi "săn gián" trong đại dịch
Định hình sự khác biệt và những gì muốn làm trong thị trường được cho là tiềm năng, nhưng quỹ của bà ra đời lúc thực tế nghiệt ngã. Đó là năm 2020, Covid-19 khiến môi trường vĩ mô đầy thách thức. Nhiều nhà đầu tư tạm dừng phân bổ vốn vào các thị trường mới nổi, doanh nghiệp cũng xem xét lại các kế hoạch mở rộng và gọi vốn để tìm cách sống còn.
Nhưng nhờ vậy, Shuyin trải nghiệm "trong nguy có cơ". "Tại một hội nghị về đầu tư vốn vay tư nhân, tôi mô tả những doanh nghiệp mà quỹ đầu tư là 'những con gián'", bà kể. Thiếu khả năng tiếp cận vốn có nghĩa là các doanh nghiệp giai đoạn khó khăn phải tập trung cao độ vào dòng tiền để trụ vững. Sự tồn tại kiên cường của họ giống những con gián.
"Vì vậy, trong khi hầu hết nhà đầu tư nói về việc săn kỳ lân (các startup định giá từ một tỷ USD) thì chúng tôi đang săn gián!", bà ví von.
Với sự hỗ trợ của các nhà đầu tư ban đầu như Visa Foundation (Mỹ) và Sasakawa Peace Foundation (Nhật), Beacon bắt đầu "săn gián" và đối diện thực tế không dễ dàng. Khái niệm đầu tư vốn vay vẫn mới mẻ ở Việt Nam. Khi đề cập huy động vốn, hầu hết thường nghĩ đến VC. Sự phát triển của các VC và startup khiến họ trở thành lựa chọn phổ biến, trong khi nghĩ đến vay, tâm lý sợ mắc nợ chi phối.
"Tôi thừa nhận việc vay vốn lúc đầu có vẻ đáng sợ đối với một số chủ doanh nghiệp, nhưng nếu công ty có dòng tiền ổn định và kế hoạch kinh doanh rõ ràng, đó thường là một lựa chọn rẻ hơn so với nhận đầu tư đổi cổ phần", bà phân tích.
Để giúp doanh nghiệp lựa chọn kênh vốn phù hợp và cũng nhằm tìm ra "gián", Shuyin khuyến khích các nhà sáng lập tự hỏi: Mô hình kinh doanh của tôi có thể tăng doanh thu gấp 2 hoặc 3 lần mỗi năm không? Tôi có đang giải quyết một thị trường tỷ USD không? Tôi có muốn rời khỏi công việc kinh doanh của mình trong khung thời gian từ 3 đến 5 năm không?
"Nếu câu trả lời cho những câu hỏi này là 'có', có lẽ VC là dành cho bạn. Nếu không thì đáng để xem xét các lựa chọn khác", bà khuyến nghị.
Ở bước tiếp theo, Shuyin "đãi cát tìm vàng" bằng 3 yếu tố chính. Đầu tiên, quỹ xem xét năng lực và độ tin cậy của đội ngũ sáng lập. Thứ hai, về tài chính, họ "soi" kỹ dòng tiền, đảm bảo công ty sẽ tạo ra đủ dòng tiền để hoàn trả khoản vay, và sẵn sàng phối hợp với doanh nghiệp khi họ gặp khó khăn.
Cuối cùng, họ tìm kiếm tác động xã hội hoặc môi trường có thể đo lường được. Ngoài tập trung thúc đẩy bình đẳng giới, quỹ cũng quan tâm đến các mục tiêu tạo tác động khác như giúp nền giáo dục chất lượng cao trở nên dễ tiếp cận hơn hoặc thúc đẩy nông nghiệp bền vững.
Đến nay, quỹ này đã đầu tư 6 doanh nghiệp. Một trong những SME nhận vốn Shuyin ấn tượng là MindX, hệ thống trường dạy lập trình cho học sinh lớp 5-12 và thanh thiếu niên. Quỹ giải ngân lần đầu vào tháng 11/2021 và tiếp tục tham gia vào vòng gọi vốn Series B tổng trị giá 15 triệu USD, dẫn dắt bởi Kaizenvest (Singapore).
Năm ngoái, MindX mở 18 trung tâm mới và tăng trưởng doanh thu 88% trong khi vẫn duy trì dòng tiền dương. Tính đến tháng 6, chuỗi có 41 trung tâm và 9.557 học viên. Nguyễn Thanh Tùng, Đồng sáng lập MindX nói rằng làm việc với Beacon giúp họ nhận ra còn có những con đường khác ngoài gọi vốn VC.
"Do là quỹ đầu tư vốn vay, quy trình làm việc ở họ thực tế, kỹ lưỡng và chặt chẽ, đặc biệt về mặt chỉ số tài chính so với các quỹ đầu tư cổ phần", Tùng nói. Nguyễn Thị Thu Hà, Đồng sáng lập kiêm CEO MindX nói chính điều này giúp công ty sẵn sàng để chuẩn bị cho những vòng gọi vốn lớn hơn.
"Những câu hỏi mà họ đặt ra trong quá trình thẩm định và trong suốt quá trình hợp tác thực sự đã thách thức chúng tôi suy nghĩ về định hướng và chiến lược kinh doanh của mình", Hà nhận xét. Theo cô, đó là giá trị gia tăng, ngoài việc được vay.
Đầu tư tạo tác động là lĩnh vực đang phát triển nhanh trên thế giới. Mạng lưới đầu tư tác động toàn cầu (GIIN) ước tính quy mô của thị trường là 1.164 tỷ USD vào 2022, đánh dấu lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD. Gần đây, Beacon nhận được ủng hộ mới.
Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam, quỹ này cùng với VPBank và TPBank là 3 tổ chức của Việt Nam ký kết với Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC). Trong đó, DFC cam kết hợp tác 50 triệu USD với Beacon Fund để đầu tư vào các doanh nghiệp.
Hiện Shuyin cùng đội ngũ tiếp tục tìm kiếm những doanh nghiệp mới. Họ quan tâm nhiều đến lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe vì xu hướng có dòng tiền ổn định, dự đoán được, có nhu cầu vốn để mở rộng và tạo tác động xã hội.
Vào 2015, Shuyin được Tạp chí Tài chính Australia vinh danh là một trong "100 Phụ nữ có ảnh hưởng" của nước này. Ngoài đồng sáng lập Beacon, bà hiện cũng đảm nhận nhiều vị trí khác như thành viên Hội đồng quản trị của Quỹ Bình đẳng (Equality Fund) và Hội đồng đầu tư tạo tác động của Hiệp hội vốn tư nhân toàn cầu (Global Private Capital Association), Chủ tịch Ban giám khảo khu vực Nam và Trung Á của Sáng kiến Phụ nữ Cartier (Cartier Women’s Initiative).
Hỏi cách nào để một người phụ nữ điều hành kinh doanh và đảm đương nhiều đầu việc như vậy, Shuyin gợi ý trước tiên nên chăm sóc bản thân và học cách quản lý thời gian, năng lượng vì chúng là nguồn tài nguyên quý giá nhất. "Một số người có thể nói đó là ích kỷ, nhưng chỉ khi chăm sóc bản thân, bạn mới có sự xuất hiện trước người khác và thế giới theo cách bạn muốn", bà nói.
Viễn Thông